Om mani padme hum là một câu thần chú cổ bằng tiếng Phạn, có ý nghĩa sâu sắc trong Phật giáo. Tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và sức mạnh khi sử dụng đúng câu thần chú này qua nội dung sau!
Câu thần chú Om mani padme hum có nguồn gốc như thế nào?
Om Mani Padme Hum được ghi nhận là câu thần chú cổ, xuất phát từ Phật giáo Ấn Độ từ thời kỳ cổ đại, sau đó nó được du nhập vào Tây Tạng và được coi là câu thần chú có sức mạnh to lớn nhất trong tất cả những câu thần chú Mật Tông.
Kinh Đại thừa Trang nghiêm Bảo Vương có nhắc tới một tích, đó là việc khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng dưới gốc cây bồ đề, ngài đã nói rằng phải mất 1 triệu kiếp thì mới tìm được câu thần chú này và Ngài có thể biết rõ một năm có bao nhiêu hạt mưa rơi xuống đất hay sông Hằng có bao nhiêu hạt cát nhưng lại chẳng thể nói hết được sức mạnh của câu thần chú om mani padme hum. Lời khẳng định đó cho thấy câu thần chú này được đề cao đến như thế nào.
Còn đối với riêng những nhà sư Tây Tạng thì khi tụng niệm và nghe được tiếng âm vang của câu thần chú họ thấy sự kỳ diệu của nó và cho rằng đó là toàn bộ sức mạnh hội tụ trong những lời dạy của Đức Phật. Niệm chú Om mani padme hum sẽ được thừa hưởng toàn bộ những diệu kỳ mà nguồn năng lượng từ bi của Đức Phật ban cho tất cả chúng sinh, giúp thức tỉnh lòng từ bi trong mỗi cá nhân và kết nối mọi người với nhau.
Câu thần chú Om mani Padme hum có nghĩa là gì?
Om mani padme hum được dịch ra là “viên ngọc quý trong hoa sen”. Trong đó, mỗi tiếng lại có một ý nghĩa tượng trưng riêng:
“Om”: Có thể tượng trưng cho cơ thể, lời nói hay tâm trí của người Phật tử. Nhưng “Om” cũng có thể là tượng trưng của thân thể, lời nói hay trí tuệ của một vị Phật. Các nhà sư Tây Tạng cũng sử dụng từ “Om” với ý nghĩa là lời nói của Đức Phật. Sức mạnh của chính âm tiết này khi ngân vang lên cũng tượng trưng cho nhận thức về vũ trụ. Tiếng vang khi niệm “om” vang vọng qua những đỉnh núi cao Tây Tạng, bao trùm cả đất trời.
“Mani”: Được hiểu là “viên ngọc” hay ý muốn vị tha hướng tới sự giác ngộ, lòng từ bi và tình yêu thương. Mani cũng chính là biểu hiện của bồ đề tâm Bodhicitta.
“Padme”: Được hiểu là bên trong đóa hoa sen, tâm thức con người hay một điểm dừng để tâm trí hạn chế hình thành những suy nghĩ mê lầm, tạo cơ hội để phát triển một trí tuệ, một năng lực thuần khiết.
“Hum”: Được hiểu là tự ngã thành tựu. Khi niệm toàn bộ câu chú và kết thúc bằng từ “hum” cũng có nghĩa là sự giác ngộ đã được thắp sáng, mở đường cho trí tuệ, lòng từ bi và những điều tốt lành sẽ đến.
Vậy thì, khi tổng hợp lại tất cả những bổ nghĩa cặn kẽ trên có thể tạm hiểu rằng “Om mani padme hum” có nghĩa rằng mỗi cá nhân đều là một đóa hoa sen hay một viên ngọc quý nằm trong đóa sen. Nhiều người không hiểu điều này, cho tới khi được nghe, hiểu và thực hành niệm câu thần chú Om mani padme hum. Trong Phật giáo, Om mani padme hum được đề cập một cách ngắn gọn hơn đó là “tâm Bồ đề nở trong lòng người”, để cho vô minh bị triệt tiêu, để cho trí tuệ, lòng từ bi tinh khiết được thắp sáng.
Lợi ích khi niệm thần chú Om mani padme hum
Quan niệm Phật giáo cho rằng khi người Phật tử biết tới, hiểu sâu sắc và thực hành niệm chú Om mani padme hum thì sẽ được hưởng những lợi ích sau:
Giúp Phật tử được cứu giúp, làm lành khổ đau, xoa dịu những khốn khó trong đời sống. Lợi lạc này có được là vì “Om mani padme hum” là hiện thân của ngôn ngữ và trí tuệ của tất cả các vị chư Phật. Niệm chú này là để tâm trí thoát khỏi những mê lầm lạc lối, thoát khỏi vô minh để trí tuệ tỏa sáng thanh khiết. Khi lòng từ bi thuần khiết phát triển cũng chính là lúc người Phật tử đạt được trạng thái bình an, tự tại.
Trì tụng thường xuyên câu thần chú này sẽ giúp xua đuổi các thế lực ma quỷ, giúp bệnh tật được đẩy lùi, mở cửa đón hạnh phúc, an lạc về trong thân, tâm.
Tăng trưởng sức mạnh của thiền định, làm nền tảng để phát triển thiền định ở cấp độ sâu sắc hơn không chỉ trong kiếp sống này mà còn hướng tới nhiều kiếp sống khác ở tương lai.
Quan niệm nhà Phật cho rằng nếu trì tụng thần chú “om mani padme hum” thì khi chết đi, linh hồn sẽ không bị đày vào ba đọa xứ mà được vãng sinh về cõi Tây Phương cực lạc, cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm bồ tát, tiến gần hơn tới Phật quả.
Thần chú Om mani padme hum còn có một tích gắn liền với Đức Phật Quán Thế Âm đó là khi ngài nguyện trở lại vòng luân hồi nhằm giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ, đã sử dụng câu thần chú này. Do đó, nếu phật từ niệm chú Om mani padme hum và trong lòng nghĩ về Đức Phật Quán Thế Âm với sự tôn kính tuyệt đối thì sẽ càng giúp cho sức mạnh của câu thần chú được màu nhiệm.